Trong cuốn truyện Brave New World của Aldous Huxley, có đoạn trích như sau:
“Chúng tôi không cho phép khoa học tiến bộ quá nhiều một cách không kiểm soát,” vị Kiểm soát viên nói. “Chúng tôi giới hạn nó để nó chỉ phục vụ cho mục đích ổn định và hạnh phúc của chúng tôi. Mỗi đột phá trong khoa học thuần túy đều có tiềm năng gây đảo lộn; thậm chí khoa học đôi khi cũng phải được xem như một kẻ thù tiềm năng. Đúng, thậm chí là cả khoa học.”
“Nhưng còn về Ford, máy bay, máy móc thì sao?”
“Đúng, chúng giúp chúng tôi duy trì trật tự xã hội. Nhưng khi nói đến những phát minh mới, chúng tôi phải thận trọng. Quá nhiều hiệu suất có thể dẫn đến sự mất ổn định. Mọi người có thể trở nên thất nghiệp, bất mãn, và chúng tôi không thể cho phép điều đó.”
Vâng, cái thứ “phát minh làm tăng năng suất” nổi bật nhất hiện nay, hẳn phải là Generative A.I, đặc biệt là các con LLMs như GPT hay Gemini.
Từ ngày các công cụ A.I xuất hiện ở công ty tôi, có 2 nhóm khác nhau rõ rệt: một, mở khung chat A.I thường trực, và năng suất tăng cỡ “x2”; hai, chần chừ trong việc sử dụng, và ghét (hoặc khinh) nhóm một “x100”.
Tôi thì hiển nhiên là nhóm một, và cũng chẳng ưa nhóm hai, nhưng, cũng tò mò về việc, sao người ta có thể thờ ơ với một thứ hữu ích như vậy? Nếu nhóm hai là những người vốn chẳng làm việc với máy tính bao giờ thì tôi chả thèm thắc mắc, nhưng, đằng này, họ là những người mà máy tính là cần câu cơm, thì hà cớ gì mà bỏ qua cơ hội “x2 năng suất” nhỉ?
Và, khi mà nhiều người “x2 năng suất” thành công, thì có phải là dấu hiệu đáng mừng của tổ chức?
“Thôi…”
Nếu có thể hứa chắc “dùng đảm bảo hiệu quả” thì chắc chẳng ai chần chờ cả. Nhưng A.I thời điểm hiện tại chưa tới mức như vậy, nên hiệu quả tới đâu vẫn phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và tâm lý “dám chơi” của người sử dụng.
Đi một vòng các cộng đồng, thì tôi thấy người sử dụng A.I hiệu quả nhất là những người vốn giỏi sẵn ở chuyên môn của họ, tức, với một công ty IT, thì kỹ sư Senior sẽ tận dụng A.I hiệu quả hơn kỹ sư Junior - tất nhiên, tôi đang nói tới nhóm “dám chơi”.
Nhóm “dám chơi” thì có 2 kiểu: “chơi mày ơi” và “rủ thì chơi”.
“Rủ thì chơi” là mấy người tuy giỏi nhưng phải có người thúc đít mới làm, mới thử. Trong giai đoạn ngắn cần huy động lực lượng thì chịu khó hò hét mấy người này cũng có hiệu quả, nhưng mệt quá, lớn rồi, hơi đâu mà chạy theo đá vào đít các vị hoài.
“Chơi mày ơi” là nhóm tôi khoái nhất. Thấy gì hay là chạy qua í ới rủ rỉ rù rì, bất chấp mấy đứa kia có muốn nghe hay không. Kệ, cứ nói cho sướng đã. Luôn chủ động và tích cực là điểm mạnh nhất của những người này. Chả cần ai nói, ai thúc, họ tự tìm tòi thử nghiệm, chia sẻ kiến thức, và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh. Nhóm “rủ thì chơi” thường được hưởng lợi từ nhóm này.
Nhóm “không chơi” cũng có 2 kiểu: “để xem đã” và “thôi…”.
“Để xem đã” thì vẫn có thể chơi chung được, vì có thể họ chỉ đang thận trọng, cần xem xét cho kĩ trước khi quyết định.
Còn “thôi tao ngại”, “thôi tao lười”, “thôi tao sợ” hoặc thậm chí “thôi…” mà không nói được vì sao thì tôi thấy cũng chả cần tốn công lôi kéo mấy người này làm gì, nhiều khi còn bị chửi ngược.
Nhóm “thôi…” thì đụng gì cũng chây ì và bảo thủ. Cái họ năng nổ nhất là suy nghĩ ra cái cớ để không làm, để không thay đổi.
Nhóm “thôi…” sẽ mãi ở đó trong khi các nhóm kia sẽ đi tiếp.
Một Senior nhóm “thôi…” sẽ nhanh chóng bị các Junior nhóm “chơi mày ơi” vượt mặt và thay thế.
Trong giai đoạn Generative A.I cải tiến từng ngày, mỗi sáng thức giấc là một đống tính năng mới được công bố, thì, theo tôi, những người đã ngồi quá lâu ở một ví trí tốt như các Senior hay Expert là đối tượng gặp nhiều thử thách nhất, bởi, hoặc họ bay rất cao, hoặc họ bị đào thải.
Tổ chức có cứu nổi bạn không?
Trong thế giới của Brave New World mà tôi trích dẫn ở đầu bài viết, thì phương châm quản lý đó có vẻ có lợi cho nhóm “thôi…”.
Đó là nếu ban lãnh đạo chú trọng vào việc giữ ổn định thay vì tăng năng suất bằng mọi giá.
Nhưng thực thế ở nước ta thì sao?
Xe công nghệ vẫn tồn tại và taxi kiểu cũ vẫn tiếp tục lay lắt sống chung.
Tự động hoá vẫn tiếp tục được khuyến khích, và không thấy giải pháp nào cho các công nhân thất nghiệp.
Có vẻ, nước ta, việc kiểm soát chặt chẽ công nghệ mới nhằm hạn chế sự bất ổn có vẻ không phải ưu tiên của chính phủ.
Và tất nhiên, chính phủ không cấm, thì việc các doanh nghiệp ưu tiên áp dụng công nghệ mới để tinh gọn bộ máy nhân sự cũng là việc không tránh khỏi.
Và khi cần tinh gọn, tôi tin chắc nhóm “thôi…” sẽ được ưu ái nghĩ tới đầu tiên.
Và việc bạn cần làm: đừng là nhóm “thôi…”.
Brave New World
Thế giới mà Aldous Huxley tưởng tượng ra đáng sợ thật đấy, nhưng nó chỉ diễn ra nếu chủ chương của chính phủ là “triệt tiêu tính cá nhân và sáng tạo” mà thôi. Còn với làn sóng Generative A.I hiện tại, thì tính cá nhân và sự sáng tạo lại đang được hưởng lợi.
Năng suất của mỗi cá nhân cải thiện hơn, biên giới của sáng tạo nới rộng hơn, một người trước giờ cần hỗ trợ của vài thành viên khác mới hoàn thành được công việc của mình, thì nay có thể độc lập xử lý vấn đề cùng với trợ lý A.I.
Khả năng học chuyên ngành mới cũng dễ dàng hơn, tất nhiên, nhờ học cùng A.I, và nó mở ra hướng phát triển “chuyên viên đa ngành” để giảm sự phụ thuộc, mà vẫn đảm bảo tính chuyên môn.
Sẽ sớm thôi, các kiến thức chuyên môn “chỉ mình bạn có” sẽ trở thành “ai cũng có thể biết và sử dụng thông qua A.I”.
Thay vì học ngôn ngữ mới, thì bạn nên đầu tư vào ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Vì bởi, vốn từ vựng sẽ không còn quan trọng bằng khả năng trình bày logic. Critical Thinking, Logical Thinking, Analytical Thinking mới là thứ cần đầu tư.
…
Tuy các câu hỏi lớn về “A.I Alignment” hay “A.I Ethical” vẫn chưa có trả lời và một tận thế bởi A.I vẫn là viễn cảnh khả dĩ, nhưng với quá nhiều thứ mới mẻ và tích cực tôi đang trải nghiệm hàng ngày, thì:
“Xin chào thế giới mới tươi đẹp.”